Chanh là loại cây dễ trồng, thích nghi trên nhiều vùng đất khác nhau, trái chanh được sử dụng phổ biến trong thực phẩm và là nước giải khát rất được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.
I. YÊU CẦU SINH THÁI:
1. Nhiệt độ:
Chanh có thể sống và phát triển ở 13 - 19 0C, thích hợp nhất từ 23 - 29 0C.
2. Ánh sáng:
Chanh không thích ánh sáng trực tiếp, cường độ ánh sáng thích hợp là 10.000 - 15.000 lux (tương đương nắng sáng lúc 8 giờ hoặc năng chiều lúc 16 - 17 giờ). Cường độ ánh sáng ở Việt Nam vào mùa hè khoảng 100.000 lux, do đó khi thành lập vườn cần thiết kế cây che mát và chú ý hướng Đông - Tây.
3. Nước:
Cây chanh cần nhiều nước, nhất là trong thời kỳ ra hoa và kết trái. Tuy nhiên chanh rất sợ bị úng nước, nếu trồng ở đất thấp, mực nước ngầm cao và không đào mương lên liếp sẽ dẫn đến tình trạng thối rễ.
4. Đất đai:
Đất phải có tầng canh tác dày ít nhất là 0.6 m và thành phần cơ giới nhẹ hoặc trung bình. Đất tơi xốp, thông thoáng, thoát nước tốt, PH từ 5.5 - 6.5 là tốt nhất.
II. KỸ THUẬT CANH TÁC:
1. Giống:
* Chanh giấy: Tán cây dày đặc, cành nhiều gai, trái hình cầu, mọc thành chùm, (3 - 5 trái), vỏ mỏng bóng và láng, nhiều nước, vị rất chua và thơm, khá nhiều hạt.
* Chanh tàu: Tán cây dày đặc, cành gai ít. Trái hình cầu, to, vỏ trái xanh đậm và hơi sần, trái chùm, con tép vàng, hạt to, nhiều nước (> 45%). Hiện nay, giống này được trồng khá nhiều do ưu điểm cây ít gai, dễ dàng chăm sóc và khi da vừa bóng có thể thu hoạch sớm trái vẫn nhiều nước. Bước đầu ghi nhận có 2 dòng khác nhau:
+ Chanh tàu bông tím đậm (Citrus spp): Hoa có nụ màu tím đậm, 3 - 7 trái/chùm.
+ Chanh tàu bông tím lợt ( Citrus Limon): hoa có nụ màu tím lợt hơn, 2 - 3 trái/chùm.
2. Thời vụ:
Cây chanh thường được trồng vào đầu mùa mưa để đỡ công tưới. Tuy nhiên cũng có thể trồng được quanh năm nếu chủ động được nước.
3. Chuẩn bị đất trồng:
Đất trồng chanh, cần được xẻ mương lên liếp, vun mô. Có bờ bao, cống bộng để chủ động trong việc tưới tiêu. Nên giữ mực nước trong mương cách mặt liếp ít nhất 50 cm.
Mô đất: dùng đất tốt như đất mặt ruộng, đất bãi bồi ven sông,... để đắp mô. Mô có hình tròn, đường kính 0.6 - 0.8 m, cao từ 0.3 - 0.5 m. Đất làm mô nên trộn phân hữu cơ, rãi vôi để xử lý đất.
4. Khoảng cách trồng:
Khoảng cách 3 m x 3 m hoặc 4 m x 4 m. Có thể trồng dày hơn để khai thác trong những năm đầu, khi cây giao tán thì tiến hành đốn tỉa.
5. Bồi mô:
Hàng năm nên tiến hành bồi mô theo độ rộng của tán cây, trước khi bồi nên bón phân hữu cơ.
6. Tủ gốc, giữ ẩm:
Rễ hấp thu dinh dưỡng đa số mọc cạn, mùa nắng nhiệt độ cao, ảnh hưởng xấu đến bộ rễ, do đó cần tủ gốc giữ ẩm bằng rơm rạ, lục bình hoặc giữ cỏ trên mô. Cần lưu ý khi tủ gốc hay giữ cỏ cần cách xa gốc ít nhất 20 - 50 cm.
7. Tạo tán:
Mục đích của việc tạo tán:
+ Tăng diện tích lá hữu hiệu, tăng khả năng quang hợp của bộ lá.
+ Duy trì sức sống tốt của cây, bảo đảm sự cân bằng sinh trưởng và phát triển của cây.
+ Hình thành và phát triển bộ khung vững chắc nhằm tránh đỗ ngã cho cây.
Cách tạo tán:
+ Từ gốc lên khoảng 60 - 80 cm cắt ngọn thân chính để cây phân tàn. Chọn giữ 3 cành cấp 1 phân đều ra 3 hướng. dùng cây cột giữ cành cấp 1 tạo với thân chính góc 35 - 40 độ.
+ Sau khi cành cấp 1 phát triển dài 50 - 60 cm thì bấm đọt để các mầm ngủ trên cành cấp 1 phát triển thành cành cấp 2, và chỉ giữ lại 2 - 3 cành trên mỗi cành cấp 1.
+ Khi cành cấp 2 phát triển tiến hành cắt tỉa như cách làm ở cành cấp 1. Từ cành cấp 2 sẽ tạo thành cành cấp 3.
+ Cành cấp 3 không hạn chế số lượng cành và chiều dài nhưng cần cắt tỉa, loại bỏ cành yếu, mọc quá dày. Sau 3 năm cây sẽ có bộ tán cân đối thuận lợi trong việc chăm sóc, phòng ngừa sâu bệnh và thu hoạch.
8. Bón phân cho cây chanh:
* Thời kỳ kiến thiết cơ bản (Cây từ 1 - 2 năm tuổi):
Phân hữu cơ: Bón vào lúc bồi mô, 5 - 10 kg/gốc
Phân hóa học: Nên pha phân vào nước rồi để tưới nhiều lần trong năm vào thời điểm lá trưởng thành, có thể sử dụng các loại phân có chứa đủ 3 thành phần NPK như 20 - 20 - 15 hoặc phân có tì lệ NPK tương tự để bón, liều lượng 100 - 200g/gốc.
* Thời kỳ kinh doanh (Cây đã cho trái):
Bón thúc ra đọt: Bón phân hữu cơ và phân NPK có hàm lượng đạm và lân cao, có thể sử dụng phân NPK 20 - 20 - 15 hoặc phân có liều lượng tượng tự để bón, liều lượng 200 - 300 g/gốc.
* Bón nuôi trái:
Sau khi đậu trái từ 20 - 30 ngày, sau đó cứ 20 - 30 ngày bón 1 lần có thể sử dụng phân NPK 20 - 20 - 15 hoặc phân có liều lượng tượng tự để bón, liều lượng 200 - 300 g/gốc.
Chú ý: Có thể tăng hoặc giảm liều lượng bón tùy vào đất đai và tình trạng sinh trưởng của cây.
Copyright © 2017 TAM LONG