info@phanbontamlong.net Hotline: 0915 013 048 (Miss Tuyến)

KỸ THUẬT TRỒNG VÚ SỮA


     Cây vú sữa là loại cây ăn trái nhiệt đới, có nguồn gốc từ vùng Tây Ấn, được trồng nhiều ở Philippines, Thái Lan, Việt Nam. Ở nước ta, hiện nay, cây vú sữa được trồng nhiếu ở Tiền Giang, Bến Tre, Cần Thơ. Diện tích trồng vú sữa ở Tiền Giang hiện nay khoảng 2.000 ha, tập trung nhiều ở huyện Châu Thành và Cai Lậy.

KỸ THUẬT TRỒNG

1. Thời vụ trồng:

Nếu chủ động được nước tưới thì có thể trồng bất cứ thời điểm nào trong năm. Tuy nhiên, nếu trồng vào đầu mùa mưa sẽ đỡ công tưới hơn.

2. Chuẩn bị đất trồng:

Để vườn vú sữa có tuổi thọ và năng suất cao, đất trồng vú sữa cần được xẻ mương lên liếp và có hệ thống đê bao, cống bọng để chủ động tưới nước trong mùa nắng, thoát nước trong mùa mưa lũ và nên trồng vú sữa trên mô.

Mô đất nên chuẩn bị từ trước từ 15 - 30 ngày trước khi trồng cây giống, nên xử lý vôi. Đất mô là đất mặt vườn cũ hoặc đất mặt ruộng phơi khô, trộn với phân chuồng hoai, tro trấu, rơm rác mục, phân lân,...

3. Cách trồng:

* Khoảng cách: có thể trồng theo hàng đơn hoặc hàng đôi, tùy theo chiều rộng của liếp. Nếu liếp rộng 6 - 7 m thì trồng 1 hàng ở giữa liếp, cây cách cây là 8m, mật độ 160  - 180 cây/ha. Đối với liếp rộng 9 - 10 m thì có thể trồng 2 hàng  theo kiểu nanh sấu, cây cách cây 10 m. Trong những năm đầu khi cây chưa giao tán có thể trồng xen những cây ngắn ngày như rau, đậu, ổi, đu đủ...để tăng thu nhập.

* Cách trồng:

Khoét lỗ trên mô vừa với bầu cây con, nhẹ nhàng xé bỏ bọc nylon rồi đặt cây con vào mô, lấp đất lại vừa ngang với mặt bầu, ém đất xung quanh gốc, cắm cọc để buột cây con vào, không để gió lay làm đứt rể cây.

4. Trồng cây chắn gió:

Do vú sữa có tán lớn, cành giòn, dễ gãy, dễ tét nhánh, do đó cần trồng hàng cây chắn gió cho vú sữa.

5. Bón phân:

Việc lạm dụng phân bón hóa học trên vườn cây vú sữa trong nhiều năm đã mang lại hậu quả xấu cho đất, làm cho đất ngày càng cằn cõi, chai kiệt, dinh dưỡng đất bị suy giảm, các loại nấm hại rễ phát triển. Vì vậy cũng cần tăng cường bón phân hữu cơ cho cây, kết hợp với nấm đối kháng TRichoderma cho cây vú sữa là rất quan trọng.

* Lượng phân bón: 

Tùy theo tình trạng đất, giống, tuổi cây và giai đoạn sinh trưởng của cây mà quyết định lượng phân bón cho phù hợp, cần cung cấp đầy đủ đạm, lân, kali, phải bổ sung thêm phân hữu cơ để cây đạt năng suất cao.

a. Thời kỳ kiến thiết cơ bản:

- Bón lót khi chuẩn bị mô trồng, mỗi mô bón từ 10 - 15kg phân hữu cơ hoai, 0.3 kg phân super lân.

- Năm đầu tiên sau khi trồng: Nên hòa phân vào nước để tưới, tưới lúc đọt già, nên sử dụng các loại phân có hàm lượng đạm, lân cao như NPK 16 - 16 - 8 hoặc NPK 20 - 20 - 15, liều lượng 150 - 200g/gốc/năm.

- Cây 2 - 3 năm tuổi: Bón từ 0.3 - 1.0 kg NPK 16 - 16 - 8 hoặc NPK 20 - 20 - 15 chia làm 4- 8 lần bón trong năm, lương phân tăng dần thoe độ lớn của cây. Bón khi lá đã trưởng thành.

b. Thời kỳ kinh doanh:

Cây càng lớn lượng phân càng tăng, năm trúng mùa bón nhiều hơn năm thất mùa. Có thể chia làm 4 đợt bón trong năm như sau:

+ Đợt 1: Sau khi thu hoạch: Cây cần đạm bổ sung dinh dưỡng cho cây, bón 5 - 10kg phân hữu cơ hoai kết hợp 1 - 3 kg phân NPK có hàm lượng đạm, lân cao theo tỉ lệ 2:2:1. Lưu ý giai đoạn này cũng cần nhiều lân cho cây ra hoa đậu trái tốt.

+ Đợt 2: Khi trái đạt độ lớn bằng nút áo, bón 0.5 - 1.5 kg NPK 20 - 20 - 15

+ Đợt 3: Khi trái có đường kính khoảng 3cm, bón từ  0.5 - 1.5 kg  NPK 20 - 20 -15

+ Đợt 4: Trước thu hoạch 1 -2 tháng, bón 1 - 2kg phân NPK 19 - 9 -19. Chú ý không bón nhiều phân đạm ở giai đoạn này vì nếu thừa đạm trái sẽ có màu xấu, phẩm chất trái giảm và dễ bị thối trái.

* Cách bón: 

Dựa theo tán cây để bón, cuốc rãnh sâu 5 - 10 cm, rộng 10 - 20 cm, cách gốc 0.5 - 1.0 m (tùy theo tán cây), cho phân vào, lấp đất lại và tưới nước.

Khi cây giao tán dùng cuốc xới nhẹ lớp đất xung quanh gốc theo hình chiếu tán của cây, cách gốc 50cm. Tưới đẫm liếp rồi rãi phân trực tiếp lên mặt liếp.

 

 

 

Đối tác - Khách hàng