Nông dân mất ăn, mất ngủ khi dịch bệnh nguy hiểm này quay trở lại, thậm chí có nơi phải trục bỏ ruộng đã gieo sạ 1 - 2 tháng.
Vụ HT 2018, tỉnh Kiên Giang có kế hoạch gieo sạ 280.000ha, đến nay các địa phương đã gieo sạ được 188.526ha. Là tỉnh có địa bàn rộng, trải dài trên 3 tiểu vùng sinh thái khác nhau nên lịch xuống giống khá dài. Trong khi nhiều diện tích gieo sạ đợt 3 chưa kịp xuống giống thì những trà lúa đợt 1 đã bước vào giai đoạn trổ, chín, thu hoạch. Điều này gây khó khăn cho công tác quản lý dịch hại, nhất là đối với rầy nâu di trú...
Phun thuốc BVTV phòng trị bệnh vàng lùn-lùn xoắn lá |
Ông Lê Văn Đá, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt – BVTV Kiên Giang cho biết, toàn tỉnh có 8.167ha lúa HT bị các loại dịch bệnh gây hại, tăng gần 600ha so với tuần trước. Trong đó, riêng bệnh vàng lùn-lùn xoắn lá (VL - LXL) chiếm gần 3.000ha, tỷ lệ nhiễm bệnh từ 2,5 - 20%, tập trung ở các huyện Giồng Riềng, Châu Thành, Tân Hiệp, Gò Quao, Giang Thành và TP Rạch Giá. 413ha bị nhiễm nặng, tỷ lệ từ 20 - 70%, tập trung nhiều ở trà lúa gieo sạ vào khoảng tháng 3, không đúng với lịch thời vụ khuyến cáo của ngành nông nghiệp. Ngoài ra, bệnh VL-LXL còn xuất hiện rải rác với tỷ lệ dưới 2,5% ở một số huyện như Giồng Riềng, Châu Thành, Giang Thành và TP Rạch Giá.
Tại Hậu Giang diện tích lúa HT bị bệnh VL - LXL xảy ra nghiêm trọng khiến hàng trăm nông dân trắng tay. Hộ có ruộng bị VL-LXL nhẹ thì lúa đạt năng suất rất thấp, 300 - 400kg/công, lỗ 1,5 - 2 triệu đồng/công. Nông dân Tạ Duy Mạnh ở xã Vị Đông, huyện Vị Thủy (Hậu Giang) canh tác 7 công lúa HT đang trổ bông bị nhiễm bệnh VL - LXL rất nặng chuyển sang màu vàng như sắp chết cháy. Ông Mạnh buồn bã nói: “Gia đình tui sống nhờ vào 7 công ruộng. Vụ này lúa bị bệnh VL -LXL quá nặng, chi phí đầu tư cho mỗi công khoảng 2,8 triệu đồng, trong khi đó còn nợ tiền VTNN...”.
Còn ông Lê Văn Thắng có 5 công ruộng ở xã Vị Tân, TP Vị Thanh (Hậu Giang) cũng bị nhiễm bệnh VL - LXL khoảng 60 - 70%, chi phí đầu vụ mua thuốc BVTV gần 5 triệu đồng về phun xịt mà lúa không hết bệnh. Ông quyết định bán lúa non cho các chủ nuôi vịt mỗi công 900.000 đồng, hi vọng lấy lại ít vốn.
Bà Nguyễn Thanh Thúy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt – BVTV Hậu Giang cho biết, vụ HT toàn tỉnh xuống giống 76.810ha, trong đó 1.346ha nhiễm nặng bệnh VL - LXL; đa phần ở giai đoạn từ 40 - 50 ngày tuổi, đặc biệt từ đầu vụ đến nay đã có 30ha phải trục bỏ. Đối với ruộng nhiễm trung bình từ 10 - 20% chiếm 213ha, nhiễm nhẹ từ 5 - 10% là 599ha…
Theo ông Lê Văn Đá, diện tích lúa HT 2018 chưa gieo sạ của tỉnh Kiên Giang còn khá lớn, gần 100.000ha, sẽ tập trung dứt điểm trong đợt 3 này. Điều đáng lo ngại là rầy nâu có khả năng lây lan trên trà lúa mới gieo sạ. Cần quản lý tốt nguồn rầy nâu tại chỗ để hạn chế thấp nhất nguồn lan truyền bệnh VL - LXL. Các địa phương khi xuống giống lúa HT cần theo dõi chặt chẽ diễn biến rầy nâu vào đèn và tình hình thủy văn để xuống giống tập trung, đồng loạt, né rầy theo khuyến cáo.
Diện tích lúa ở xã Vị Đông, huyện Vị Thủy thiệt hại nặng do bệnh vàng lùn-lùn xoắn lá |
Đối với những ruộng lúa bị nhiễm nhẹ, khuyến cáo nông dân nhổ bỏ những cây lúa bị bệnh mang đi tiêu hủy, đồng thời bổ sung canxi, silic để tăng cường sức đề kháng cho cây. Những ruộng bị nhiễm nặng (lúa dưới 30 ngày tuổi, tỷ lệ nhiễm trên 30%), ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất thì vận động nông dân cày vùi, tiêu hủy. Phun xịt thuốc trừ rầy nếu phát hiện mật số cao, để tránh lây lan, phát tán. Những ruộng này không để nông dân gieo sạ lại ngay mà phải có thời gian cách ly tối thiểu là 3 tuần.
Tại An Giang vấn đề nhiễm bệnh trên lúa HT cũng diễn biến phức tạp. Chi cục Trồng trọt - BVTV đang chỉ đạo các trạm, kỹ thuật viên xã tăng cường thăm đồng để hướng dẫn nông dân đẩy nhanh tiến độ xuống giống và phòng trừ kịp thời các đối tượng sâu bệnh, bảo vệ năng suất, sản lượng lúa.
Vụ HT An Giang đã xuống giống được 226.863/228.546ha. Ông Nguyễn Văn Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt – BVTV An Giang cho biết: Năm nay dịch bệnh xuất hiện nhiều hơn các năm, đặc biệt bệnh VL - LXL bùng phát trên trà lúa làm đòng, làm giảm năng suất. Khuyến cáo nông dân có biện pháp phòng ngừa bệnh VL - LXL và rầy nâu ở từng giai đoạn, nhằm bảo vệ năng suất ổn định cuối vụ.
Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt – BVTV An Giang, diện tích bị nhiễm rầy nâu trong tuần qua là 465ha tập trung nhiều ở Thoại Sơn, Long Xuyên, Tịnh Biên và Châu Phú... trong đó nhiễm nhẹ 460ha, nhiễm trung bình 5ha (Châu Phú); mật số rầy nâu từ 750 - 1.600 con/m2. Đối với bệnh đạo ôn lá, diện tích nhiễm nhẹ là 2.256ha, tăng 621ha so tuần trước; tỷ lệ hại từ 5 - 10%, bệnh cấp 1 - 3. Lũy kế từ đầu vụ diện tích nhiễm là 5.248ha.
Bà Thúy nhận định, từ đầu vụ lúa ĐX và sang vụ HT tình hình rầy nâu và bệnh VL - LXL có chiều hướng bùng phát trở lại cao hơn các năm trước. Ngành nông nghiệp đã khuyến cáo nông dân tuân thủ lịch xuống giống đúng lịch thời vụ để né rầy. Tuy nhiên có nơi xuống giống ngoài vùng khuyến cáo, cộng thêm tình hình ngộ độc hữu cơ khiến bệnh VL - LXL bùng phát mạnh. Theo Nông Nghiệp Việt Nam |
Copyright © 2017 TAM LONG